Sunday, January 4, 2015

Những chuẩn bị khi đi xe đạp đường dài

Bài viết tổng hợp lại những chuẩn bị của mình cho chuyến đi xe đạp hiện tại. Sẽ dần dần hoàn thiện danh sách này khi mình có thêm kinh nghiệm đạp xe đường trường.

1.    Hành lí:
Càng ít càng tốt nhưng phải đảm bảo đầy đủ những thứ cần phải có. Mang nhiều quá thì đạp không nổi mà mang ít quá thì đi không an toàn.
P/S: Mình đang cảm thấy mình mang như vậy vẫn là nhiều quá nè. Nhưng thôi kệ, để sau chuyến đi này sẽ duyệt lại cái nào là cần thiết nhất.



a.    Xe đạp và phụ tùng kèm theo.
-    1 chiếc xe đạp touring với chuông, đèn trước, đèn sau, baga, túi 2 bên đựng hành lí
-    Bộ dụng cụ sửa xe đơn giản
-    Bơm hơi
-    Xăm, lốp dự phòng
-    1 chai dầu bảo dưỡng
-    2 bộ găng tay xe đạp
-    1 Nón bảo hiểm xe đạp
-    1 quần bỉm
-    2 khăn đa năng tác dụng dùng để đội đầu choàng cổ.
-    2 bộ ống tay áo loại mỏng chống nắng

b.    Quần áo
-    2 bộ áo quần để đạp xe. Điều kiện: bó sát người, nilon, dễ khô.
-    1 bộ đồ mặc ấm buổi tối (dành cho mùa đông)
-    1 bộ áo mưa đạp xe (mình hay gọi áo mưa 2 mảnh :))
-    1 đôi giày thể thao.
-    1 đôi sandal để dùng khi giày thể thao bị ướt.
-    1 áo gió và 1 áo phao (dành cho mùa đông).
-    3 -5 đôi tất chân.

c.    Đồ dùng cá nhân
-    Các thiết bị điện tử như: điện thoại cùng bin dự phòng điện thoại. Máy chụp hình. Laptop … Đồ sạc của tất cả các thiết bị đó.
-    Đồ lót.
-    Dao. 
-    Kéo. Kẹp nhỏ. Kim chỉ. Cuộn keo dán.
-    1 đôi đũa. 1 cái muỗng
-    Khẩu trang y tế.
-    Bàn chải, kem đánh răng. 1 chai xà bông diệt khuẩn. Cuộn giấy.
-    Nhiều túi bóng để  đựng đồ.
-    Túi chống nước để đựng hồ sơ, các đồ điện tử.
-    Một số ổ khóa để bảo vệ đồ đạc khỏi sự dòm ngó của người lạ.
-    Dây dù trong trường hợp cần phơi đồ…
-    Quyển sổ + bút để ghi chép. Sách hướng dẫn du lịch.
-    Tiền mặt. Thẻ ngân hàng.
-    Mắt kính dự phòng.
-    Đôi găng tay rửa chén. Dùng để đi mưa hoặc dung khi làm việc gì đó dơ tay
-    Lều. Túi ngủ.
-    1 bảng giới thiệu về bản thân bằng tiếng nước ngoài để dễ xin ngủ nhờ hoặc xin sự giúp đỡ trong trường hợp đạp xe đi nước ngoài.

d.    Đồ dùng y tế:
-    Thuốc tiêu chảy Berberine
-    Thuốc giảm đau hạ nhiệt Tatanol: uống 4-6 lần mỗi ngày, cách nhau 4 tiếng.
-    Thuốc dị ứng Cetirizin: uống 1 viên mỗi ngày nếu bị dị ứng.
-    Tuýt kem bôi Beprosone khi bị dị ứng.
-    Kem chống nắng.
-    Dầu gió
-    Thuốc mỡ chống nứt môi Vaseline.
-    C sủi.
-    Bông gòn, băng gạc, nước tẩy trùng.

e.    Thực phẩm:
-    Lương khô để vừa đạp vừa ăn dọc đường. Đạp xe rất dễ đuối và đói nên cần phải luôn miệng tiếp năng lượng.
-    Kẹo đậu phộng vừa để tiếp năng lượng vừa để tặng cho mấy đứa bé dọc đường.
-    2 chai nước thay phiên nhau. Nước nên pha với chanh muối hoặc túi bù điện giải Oresol để kịp thời bổ sung muối cho cơ thể khi cơ thể vận động quá sức, muối theo đường mồ hôi mà tẩu tán hết.

2.    Tinh thần (hay sự quyết tâm)
Đi xe đạp đường dài khó tránh khỏi những lúc nản chí do mệt mỏi. Bạn thử tưởng tượng cả ngày ngồi trên chiếc xe đạp, đạp một mình đã mệt còn vác thêm cả đống hành lí hơn chục kí theo sau. Rồi gặp dốc này dốc kia lên muốn đứt hơi, nhiều khi đạp không nổi phải leo xuống xe mà dắt bộ lên. Rồi sự thay đổi thời tiết. Nơi thì nắng gay gắt trên đầu mình, nơi thì lạnh buốt, rồi mưa đổ xuống cái ào, đủ các loại mưa, mưa bụi, mưa phùn, mưa dông… Rồi hư xe dọc đường này nọ, rồi bị người này người kia lừa gạt…

Nên lường trước những tình huống đó mà chuẩn  bị tinh thần đón nhận. :). Ai quyết tâm, linh hoạt thì kiểu gì cũng chơi được.

Nói ra hơi sợ chứ một khi đã xác định là muốn đi như đinh đóng cọc rồi thì cứ đi thôi. Kệ đi. Nhiều khi sợ quá lại không đi thì uổng. keke. Đi rồi thì sẽ lớn hơn và khôn hơn. Mình bắt đầu đi xe đạp cũng dạng ngẫu hứng chứ bộ. Đang đi chơi dài ngày thì tự dưng thấy đi xe đạp hay quá, tiết kiệm được nhiều tiền quá, giá cả lại rẻ quá, rất phù hợp với một đứa keo kiệt như mình nên mình quyết định mua xe và đi luôn :).

3.    Thể lực
Đi kiểu này thì phải có một sức khỏe và sức chịu đựng thật tốt. Tốt nhất là bạn đã đang chơi một môn thể thao nào đó rồi. Cơ thể đã quen với một cường độ vận động nào đó.

Trước khi bắt đầu chuyến đi thì phải tập luyện đạp thật nhiều để cho đôi chân và đầu gối mình quen dần dần với việc đạp xe. Khi tập thì nên chất hành lí với khối lượng tương đương với lúc mình đi rồi tập. Đạp càng nhiều mỗi ngày càng tốt, tối thiểu mỗi ngày nên tập từ 2 – 4 tiếng tùy thời gian sắp xếp của mỗi người (vì sau này mình đi có khi là đạp cả ngày lận mà). Đạp trên nhiều dạng địa hình và nhiều loại thời tiết khác nhau để từ từ điều chỉnh cách đạp và có kinh nghiệm xử lí tình huống. Thêm nữa, khi tập vậy thì nên chú ý xe của mình có hư hỏng gì không để kịp thời sửa chữa.

Tốt nhất là nên tập đạp 1 tháng trước khi đi để đầu gối quen dần. Trước khi mình đi mình tập luyện ít quá, vừa mới bắt đầu đi đường trường một cái là đầu gối đau ê ẩm do vận động quá sức và cho đến bây giờ, mỗi khi đạp nhiều là đầu gối của mình lại trở chứng :(. Khi đi đường trường thì đầu gối rất dễ tổn thương nên tốt nhất ta nên chuẩn bị tinh thần cho cái đầu gối thật kĩ.  

4.    Kĩ năng
Nhiều kĩ năng cần phải được rèn luyện trước và trong khi đi xe đạp đường dài như sau:
-    Kĩ năng sửa xe đạp: ít nhất cũng phải biết vá xe, thay ruột xe, thay má thắng... Càng  biết nhiều thì càng đỡ cực khi xe bị hư hỏng dọc đường. Mình biết ít thôi nhưng cứ để từ từ hoàn thiện. :).

-    Kĩ năng xin xỏ (cần mặt dày chút): xin nước dọc đường để khỏi tốn tiền mua nước. Xin một bữa ăn. Xin ngủ nhờ 1 đêm… Nói xin xỏ vậy chứ nhiều khi mình nói chuyện một hồi với người ta mà gặp người tốt bụng nhiệt tình, họ cũng tự động mời mình, quan trọng là nhiều khi mình phải gợi ý hoặc định hướng câu chuyện cho thiệt khéo. :). Nhưng nên nhớ cái gì cũng có qua có lại. Nhận được sự giúp đỡ của người khác thì mình phải làm cái gì đó để cảm ơn lại người ta, không có cơ hội để trả lại ơn giúp đỡ thì phải tìm cách giúp đỡ một người khác.

-    Kĩ năng làm quen, tiếp chuyện với người dân dọc đường: cái này tùy thuộc vào cái duyên và khả năng nói chuyện của mỗi người. Nhưng khi đi xe đạp đường dài thì mục đích của mình là quan sát và hiểu hơn về cuộc sống của người dân các nơi. Thế nên đi đến đâu thì nên kiếm cơ hội nói chuyện với người dân địa phương đó. Càng nhiều càng tốt. Hỏi thăm về cuộc sống, những suy nghĩ, niềm vui, nỗi lo lắng của họ, về địa phương họ đang ở… Và cũng đừng ngại đề nghị được tham gia vào công việc của họ. Vừa tạo mối quan hệ than thiết vừa hiểu thêm về những công việc đặc thù ở từng địa phương.

-    Kĩ năng xử lí tình huống: đi đến một địa phương lạ thì có rất nhiều tình huống mà mình không ngờ tới hoặc nhiều bất trắc mà mình chưa lường trước được. Đến nước này thì phải trông cậy vào khả năng xử lí tình huống của mình mà thôi. Và ráng mà rèn luyện khả năng quan sát và giác quan thứ 6 để tránh những nguy hiểm tiềm ẩn.

-    Kĩ năng của dân cắm trại: nếu ai đặt mục tiêu tiết kiệm hết sức thì khó tránh khỏi việc phải ăn bờ ngủ bụi. Và vậy thì một số kĩ năng như dựng lều, nút dây, tự nấu nướng, kĩ năng giữ ấm cơ thể trong mùa đông… sẽ cần được trưng dụng.
-    Nếu ai đi một mình thì cần phải có thêm kĩ năng tự kiếm niềm vui cho bản thân (hay gọi là “tự sướng”). Có những lúc cô đơn ơi là cô đơn, chỉ ước có ai đó hiểu mình ngồi nói chuyện với mình. Lúc đó thì phải kiếm một niềm vui nào đó để phân tán nỗi buồn. :).

P/S: Viết xong bài này phải cám ơn anh Trung ở Thái Bình đã tư vấn cho mình gần như 80% nội dung bài viết. :). Mình viết bài mà giống như đang ghi chép lại những gì anh Trung giảng cho mình nghe vậy.

1 comment:

  1. anh chỉ truyền cho em kinh nghiệm đi du lịch thôi, còn trên từng cung đường, từng vòng quay, mời em cứ một mình cảm nhận nỗi cô đơn, sự vất vả trên mỗi cung đường, mỗi vòng quay của xe.

    ReplyDelete