Monday, December 1, 2014

Bắc Ninh - vùng đất văn hiến Kinh Bắc xưa

 This post tells my experience in Bac Ninh province which is just located 30km from Hanoi. It is famous for Quan Ho singing, the Vietnamese folk music which is recognised as the Intangible Cultural Heritage by the UNESCO in 2009. However, Bac Ninh is not just that. It's also well-known as the historic land and comprises many old pagodas, temples and the origin of Dong Ho painting village and many other famous handicraft villages.

Mình đã có một ngày đi thăm Bắc Ninh với rất nhiều điểm đến tâm linh và di tích lịch sử. Dưới đây là những địa điểm ở Bắc Ninh mà mình đã đến thăm như sau:
Chùa Dâu – Chùa Bút Tháp – Làng tranh Đông Hồ - Làng gỗ Đồng Kỵ - chùa Phật Tích – đền Đô – đình làng Đình Bảng.

Với tuyến điểm như vậy thì mình có một số nhận xét như sau (dựa trên vốn hiểu biết nông cạn của mình):
1.    Chùa:
-    Các chùa ở đây đều thờ rất nhiều thần. Thờ chính không phải là Phật tổ mà là Phật của người Việt Nam: thần mây, thần mưa (bà Pháp Vân, bà Pháp Vũ). Điều này thể hiện sự kết hợp của tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Phật Giáo từ Ấn Độ, Trung Quốc. Ngoài thần Mây, thần Mưa…, trong chùa còn thờ Phật tổ, thờ các vị Thiên Tướng, các vị La Hán cũng như những nhân vật có công với đất nước và với chùa (Mạc Đĩnh Chi, thái hậu, hoàng tử, tổ sư…)

Bà Pháp Vân, đối tượng thờ chính ở chùa Dâu

-    Đa phần các chùa ở đây đều có một ý nghĩa lịch sử rất quan trọng nhưng đã qua rất nhiều đợt trùng tu cũng như xây dựng lại. Chùa Dâu và chùa Bút Tháp thì được xây dựng lại thời Trần. Còn chùa Phật Tích thì mới xây gần đây, chỉ mô phỏng lại kiến trúc xưa nên không có giá trị nghiên cứu cho mấy.


-    Các chùa đều có thờ Quan Âm Thị Kính, một vị Quan Âm rất thuần Việt. Đây cũng là một biểu hiện của Phật Giáo mang yếu tố địa phương.
-    Chùa Dâu là một chùa đặc biệt và có lịch sử rất lâu đời, được coi là tổ đình của Phật Giáo Việt Nam. Chùa được xây dựng từ đầu công nguyên, năm 187, thời nhà Hán, ở trung tâm Phật Giáo Luy Lâu cổ xưa hồi xưa (nay là Bắc Ninh). Tông phái Thiền đầu tiên của Việt Nam cũng ở nơi đây.

Chùa Dâu, ngôi chùa nổi tiếng nhất xứ Bắc Ninh

Tượng cừu ở chùa Dâu, có từ thời nhà Hán

-    Chùa Bút Tháp có kiến trúc cực kì hòa hợp với thiên nhiên. Trước chùa là 2 cây đa to ơi là to và đẹp ơi là đẹp.Các điêu khắc trên hành lang rất đẹp.
Gác chuông ở Chùa Bút Tháp

2.    Làng nghề:
Lần thăm này mình chỉ được thăm 2 làng nghề trong số khá nhiều làng nghề đặc sắc ở Bắc Ninh, đó là làng nghề làm tranh Đông Hồ và làng nghề điêu khắc gỗ Đồng Kỵ.

a.    Làng tranh Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ hiện tại chỉ còn 2 nhà làm tranh là nhà của nghệ nhân Nguyên Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Còn lại đều chuyển sang làm vàng mã để dễ cất nhà lầu. Một dấu hiệu buồn và đi xuống của làng nghề truyền thống xưa do giới trẻ ngày nay không còn yêu thích thể loại tranh truyền thống và một phần cũng không còn hiểu lắm về loại tranh dân gian này.
Mình được quan sát cách làm tranh và những sản phẩm tranh Đông Hồ thực sự: màu sắc từ chất liệu tự nhiên, giấy dó óng ánh rât đẹp, chủ đề tranh dân gian với những nhân vật ở làng quê ngày xưa.
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sang bừng trên giấy điệp
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
Tranh Đông Hồ (Nguồn: Internet)

Nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam
Bản khắc theo từng mảng màu
Các tác phẩm tranh trưng bày trong nhà nghệ nhân

Mình nghĩ tranh Đông Hồ muốn sống được theo thời gian thì cần phải sáng tạo nhiều hơn nữa để bắt kịp xu hướng của thời đại. Tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn, chủ đề mới lạ hơn nhưng vẫn sử dụng những chất liệu dân gian tinh túy của dòng tranh này thì mới dễ thuyết phục giới trẻ. Mình thấy ở đây có sản phẩm lịch năm mới cũng khá hay nhưng cần nhiều sản phẩm sáng tạo hơn thế nữa thì mới dễ dàng có đầu ra. Hi vọng 2 nhà làm tranh hiện tại có một lớp trẻ sáng tạo, tâm huyết với nghề và biết làm kinh doanh.
-->  Xét theo khía cạnh du lịch thì làng tranh Đông Hồ khó mà có thể đưa vào tuyến điểm du lịch cho khách tham quan được vì quy mô làng nghề giảm đáng kể. Đến nhà nghệ nhân thì chủ yếu xem tranh và xem một vài công cụ làm tranh.

b.    Làng gỗ Đồng Kỵ.
Làng gỗ này thì tham quan vô cùng nhanh. Đi xe máy dọc tuyến phố chính là thấy các showroom nhà lầu đầy các sản phẩm từ gỗ. Nhìn choáng luôn vì độ hoành tráng lệ. Làng nghề này cực kì phát triển vì có đầu ra tốt, trong nước cũng như ngoài nước. Các nhà làm gỗ đều rất giàu, nhà lầu xe hơi. Nhìn làng nghề này mà thấy buồn cho làng tranh Đông Hồ.

c.    Làng gốm Phù Lãng
Ngoài làng tranh và làng gỗ Đồng Kỵ thì còn có một làng mình rất thích là làng gốm Phù Lãng. Tuy nhiên lần đi Bắc Ninh lần này không đi được. Làng gốm Phù Lãng chỉ mới được phục dựng gần đây nhưng khá khang trang và có quy mô do có những đứa con người yêu nghề và chuyên tâm học tập sáng tạo để phát triển làng nghề cổ truyền. (Gốm Nhung).

Sản phẩm gốm (nguồn: Internet)

3.    Đền, đình và những di tích lịch sử ở Bắc Ninh
Những địa điểm mình thăm bao gồm đền thờ Kinh Dương Vương, Đền Đô (nơi thờ 8 vị vua triều Lý), Đình Đình Bảng.
Một số nhận xét nhanh:
-    Lần  đầu tiên mình mới biết Kinh Dương Vương là ông nội của vua Hùng Vương. :). Trước giờ có học nhưng đâu có chú ý. Đến đền thờ Kinh Dương Vương thì mới biết bác này được phong là “thủy tổ” của đất Việt.
Lăng Kinh Dương Vương ven bờ sông Đuống

-    Rồi đến đây mới biết thật ra Bắc Ninh là quê của Lý Thái Tổ cũng là nơi phát tích của triều đại nhà Lý. Đền Đô được khởi công xây dựng bởi vua Lý Thái Tông khi vua về đây giỗ cha, sau đó nhiều lần được xây dựng và trùng tu nhưng rồi cũng bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn. Ngôi đền hiện tại được nhà nước ta xây dựng gần đây để tưởng nhớ lại công trạng của các vị vua nhà Lý mà đặc biệt là Lý Công Uẩn, người có công dời đô đến Thăng Long, mở đầu cho một chương mới rạng ngời của đất Việt. Đây là một trong số ít những công trình mới xây mà mình thích do không gian đền rộng rãi, khoáng đãng và ở đây có một sự trang nghiêm thật sự mà mình cảm thấy được khi mình bước vào đền. Đặc biệt đền còn có khu vực hồ bán nguyệt (thủy đình) phía trước làm cho khách đến viếng thắp hương vừa có cơ hội hòa mình vào lịch sử vừa được thoải mái tận hưởng cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp của vùng Kinh Bắc.
Trong Đền Đô

-    Đình Bảng là một công trình đình làng nhà sàn độc đáo với mái đình cong vút. Được xây dựng từ thời Lê (1700) và được mệnh danh là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến ngày nay.
Đình Đình Bảng

Nói tóm lại, nhìn  chung đến Bắc Ninh, nếu không đến vào mùa lễ hội (mà được biết đến nhiều nhất là hội Lim) thì đa phần là đến tìm hiểu về những đền, đình, chùa cổ bởi nơi đây tồn tại hàng chục ngôi chùa, ngôi đền và rất nhiều lăng mộ của các vua nhà Lý. Bởi thế, ngày thường đến đây thì nên chuẩn bị trước về kiến thức lịch sử, về văn hóa Việt Nam thể hiện qua kiến trúc đình chùa, đối tượng thờ tự… để không bị chán. :). Nói vậy chứ, đến đây tuy không biết gì nhưng gặp những ngôi chùa độc đáo, đọc những bảng thông tin và hòa mình vào trong không gian cây xanh thiên nhiên trong khuôn viên điểm đến thì cũng là một phần thú vị rồi.
Bắc Ninh vào mùa lễ hội thì sẽ đặc sắc hơn rất nhiều bởi ở đây mỗi năm có hơn 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Đa phần các lễ hội đều có liên quan đến truyền thống lịch sử cùng nền văn hóa đặc sắc nơi đây.

Cám ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài. Các bạn có thể xem nhiều hình ảnh hơn tại đây: https://plus.google.com/photos/102213081794058890153/albums/6088074435090639681?authkey=CN3OgbTuw8qYnwE

Bạn Lan là bạn Lan rất thích được đi chơi nè. :)

1 comment:

  1. em đi tuyến này đúng nơi anh ở trước khi về thái bình, rất tiếc là ko làm hdv cho em được để giới thiệu nhiều hơn với em về bắc xờ ninh

    ReplyDelete