Đọc cuốn sách này đơn giản vì ba nguyên do.
Thứ nhất đó là nhật kí hành trình mà mình thì rất thích những cuộc hành trình.
Thứ hai, nội dung cuốn sách nói về nước Mỹ, mà mình hay bay Mỹ nên muốn tìm hiểu. Thứ ba, tác giả cuốn sách là người đã từng đoạt giải Nobel văn học. Mình muốn biết một người với bút lực và tư tưởng đã được thừa nhận như thế thì sẽ viết gì và viết như thế nào trong một cuốn nhật kí hành trình chứ không phải tiểu thuyết hư cấu.
Một số suy nghĩ ngắn gọn nhưng nhìn dài dòng do những trích đoạn từ cuốn sách như sau: :).
1. Tác giả không phải bàn cãi gì, là một người đam mê xê dịch và những cuộc hành trình rong ruổi. Những tâm sự của tác giả với góc nhìn của một người yêu thích những chuyến đi thật sự khiến mình rất đồng cảm, vì nó chính xác là những gì mình quan niệm.
"Và tôi đã thấy rất nhiều người bắt đầu cuộn cuộc đời mình trong len dạ, dập tắt những thôi thúc, bịt chặt những đam mê và từ từ bước ra khỏi phận người, thu mình về một dạng bán thân bất toại tinh thần và thể xác."
"Tôi sống ở nơi thời tiết tốt, và điều đó làm tôi chán muốn chết được... Vì làm sao người ta biết được thế nào là màu sắc khi ở giữa một màu xanh vĩnh cữu? Và ấm áp để làm gì nếu không có cái lạnh để khiến nó trở nên ngọt ngào. "
"Mỗi chuyến du hành, rong ruổi, thám hiểm đều là một thực thể riêng, chẳng chuyến đi nào giống chuyến đi nào... Hành trình là chính con người, làm gì có ai giống ai... Những toan tính, kế hoạch, việc đặt chỗ, tiền nong và những thứ buộc phải làm khác đều chẳng là gì cả trước cá tính của mỗi chuyến đi. Chỉ khi nhận ra điều đó, gã lang bạc mới có thể thư giãn và thuận theo nó. Chỉ khi đó, mọi nỗi thất vọng mới tan biến."
2. Đọc cuốn sách bỗng dưng mình thấy chó là loài động vật thật sự gắn bó với con người và cũng có nhiều tình cảm chẳng kém gì con người. Chú chó Charley trông câu chuyện là một nhân vật xuyên suốt được tác giả nhân cách hoá lên với một tính cách đầy đủ và trọn vẹn, "một quý ông cao niên thuộc trường phái Pháp", với những cảm xúc rất người, xứng đáng là một nhân vật chính của cuốn sách. Hãy thử đọc một đoạn viết mà tác giả mô tả về Charles:
"Đây là một con chó rất đặc biệt. Nó chẳng nhe nanh múa vuốt với ai bao giờ. Nó tôn trọng cả quyền làm mèo của bọn mèo mặc dù nó chẳng ngưỡng mộ gì chúng. Nó thà quay lui chứ chẳng muốn làm phiền một con sâu. Điều mà nó sợ nhất là ai đó trỏ tay vào con thỏ và bắt nó rượt."
Charles như một người bạn đồng hành thân thiết với tác giả, cũng có những cảm nhận tinh tế, những vui buồn khác nhau. Hai người bạn khác tính nhau nhưng cùng sẻ chia với nhau. Đã có những giận hờn, bất đồng ý kiến, và khi vượt qua những khó khăn trên hành trình thì càng hiểu thêm về nhau.
3. Tác giả đã có một hành trình rất lãng tử đi qua nước Mỹ rộng lớn từ bờ Đông sang bờ Tây, từ Bắc Mỹ đi xuống Nam Mỹ trên chiếc xe bán tải mang cái tên cũng rất độc đáo, Rocinante (tên con ngựa của Don Quixote). Cuốn sách chứa đầy những trải nghiệm văn hoá, những khám phá nho nhỏ ở các tiểu bang, cuộc hành trình khám phá lại nước Mỹ rộng lớn, đi tìm danh tính, tiếng nói, tính cách của người Mỹ hiện tại.
Nước Mỹ quá rộng lớn. Mỗi một vùng đất tác giả đi qua có những cá tính riêng. Ví như tác giả đã tinh quái phát hiện ra rằng ở những tấm biển lịch sử của bang, "những bang nào có lịch sử ngắn ngủi nhất và có ít sự kiện làm chấn động thế giới nhất thì lại có nhiều tấm biển lịch sử nhất". Hoặc mỗi bang lại có những phong cách văn xuôi riêng của nó, mà bằng chứng rõ nhất là qua tấm biển báo trên xa lộ: bang New England súc tích, vắn tắt, không lãng phí một từ một chữ nào ; bang New York thì như quát tháo vào mặt bạn, rất đế chế; Ở Ohio, các biển hiệu nghe hiền hoà với những lời khuyên thân thiện... Rồi tính cách của mỗi bang được tác giả khắc hoạ rất đặc sắc, đặc biệt những bang tác giả bị ấn tượng sâu sắc. Bang Motana với những "phát âm đích thực địa phương, một thứ phát âm chậm rãi và ấm áp, các thị trấn ở đây là những nơi để sống chứ không phải những tổ ong chộn rộn, người dân có thời gian dừng tay khỏi công việc để trao cho nhau tình láng giềng hoà thuận". Bang Texas lại là một bang của tâm thức, của sự lửng lơ, là một nỗi ám ảnh, là một quốc gia theo mọi nghĩa của từ này và là một bang được xem xét và tranh luận nhiều nhất trên nước Mỹ.
4. Nước Mỹ hiện lên với những vấn đề của nước Mỹ mà tác giả trăn trở. Đó là những vấn đề của những năm 1960 khi mà cuộc hành trình được thực hiện. Có những vấn đề vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay và càng ngày càng nghiêm trọng cũng như có những vấn đề đã được nhận thức và thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhưng ta vẫn cảm thấy được tính thời sự đặc sánh trong những đoạn văn của tác giả.
- Sự nhạt nhoà dần trong văn hoá địa phương. "Những thành ngữ, những sắc thái trong lối nói vốn làm cho ngôn ngữ trở nên giàu có, ngập chất thi ca, đầy ắp những nơi chốn thời gian...giờ đây phải ra đi. Và thế chỗ cho nó là cách nói quốc gia, được bọc, được gói, được chuẩn hoá và ...vô vị"... "Trong khi tôi chống lại các dây chuyền lắp ráp hàng loạt áp dụng các thực phẩm, cho âm nhạc, cho ngôn ngữ và thậm chí cho cả tâm hồn của chúng ta, tôi vẫn biết có một nơi hiếm hoi nào đó đang làm ra những ổ bánh mì thơm ngon của những ngày xa xưa. Món ăn mẹ nấu thường rất hiếm khi dở. Đó là thứ sữa không khử trùng, chỉ duy nhất bị chạm vào bởi ruồi và một chút ít phân lúc nhúc vi khuẩn. Cuộc sống lành mạnh theo lối xưa luôn ẩn chứa những cơn đau nhức, những cái chết đột ngột không rõ nguyên do, và cái thổ ngữ tôi thương tiếc thật ra là con đẻ của sự thất học và kém hiểu biết.... Nhưng sự thật là chúng ta đã đánh đổi sự đói khát lấy sự béo phì, và cả hai thứ này đều giết chết chúng ta."
- Những vấn đề trong cách sống của người Mỹ hiện đại: "thức ăn luôn sạch sẽ, không mùi, không màu, và nơi nào cũng y chang như nhau". "Nước Mỹ tôi chứng kiến đã đặt sự sạch sẽ lên trên tất cả, hy sinh luôn hương vị". "Đời sống cảm xúc của dân tộc này thế nào? Liệu họ có thấy cái cảm xúc khẩu vị của họ là nhạt nhẽo cho nên phải dặm thêm vào đó những câu chuyện tình dục và bạo dâm."
- Tốc độ công nghiệp hoá quá nhanh đến nỗi tác giả không nhận ra vùng đất mà tác giả đã từng rất thân quen. "Sự phát triển điên cuồng diễn ra ở khắp mọi nơi, sự phát triển như một khối ung thu. Xe ủi đất dọn sạch những khu rừng xanh và chất cao những cây cành để thiêu huỷ. Những cột bê tông trắng được chất đống cạnh những bờ tường xám. Tôi tự hỏi sao mà sự tiến bộ lại giống với sự huỷ diệt đến thế."
- Môi trường bị huỷ hoại. "Các thành phố Mỹ - tất cả - đều giống như những hang chồn, bị vây chặt giữa những đống phế thải, bị bao quanh bởi những đống xe hơi rỉ sét hư hỏng, và hầu như bị ngộp trong rác rưởi... Những núi đồ vật mà chúng ta thải đi còn nhiều hơn cả những đồ vật mà chúng ta sử dụng." Người Mỹ mới tìm thấy sự thách thức và tình yêu của mình ở những con đường ngẹt thở, ở những khung trời đầy sương khói, ngột ngạt bởi những thứ axit mà nền công nghiệp thải ra, ở những tiếng rít của bánh xe và ở những ngôi nhà nằm san sát nhau... Trong khi các làng mạc nhỏ thì cứ héo hắt và chết dần chết mòn.
- Sự phân biệt chủng tộc rõ nét đặc biệt là ở Nam Mỹ. Tác giả đã chứng kiến một buổi biểu tình của những bà mẹ da trắng (được báo giới nhắc đến như những Cheerleader) biểu tình chống lại việc những đứa trẻ da đen được trúng tuyển vào một trường học ở New Orlands. Những ngôn ngữ dơ bẩn được thốt ra "những từ ngữ thú vật, tục tĩu và đồi bại". "Họ có sự ác độc điên dại của những đứa bé bị chứng tự kỉ trung tâm và không hiểu sao điều này càng làm cho sự vô tri như súc vật của họ não lòng hơn. Những gì tác giả chứng kiến khác xa với những cảm nhận của tác giả về người da đen mà tác giả đã tiếp xúc trong suốt thời tuổi thơ, những con người đầy tự trọng, tài năng, giỏi giang mà tác giả đã từng rất ghen tị và ngưỡng mộ.
Chỉ có thể nói đây là một cuốn sách đáng để đọc và đọc nhiều lần để có thể cảm nhận hết những gì tác giả muốn nhắn gửi. Mình thích những suy nghĩ sắc sảo, sâu sắc, cách kể chuyện hóm hỉnh và những mô tả về thiên nhiên biến đổi qua từng bang. Đọc để thấy nước Mỹ gần hơn một tí. Để biết rằng những vấn đề mà nước Mỹ gặp phải không phải chỉ riêng nước Mỹ mà quốc gia nơi mình đang sống cũng đang và sẽ gặp phải.
No comments:
Post a Comment