Monday, April 22, 2019

Nhật kí lặn biển

Mình mới tham gia khoá lặn Open Water 3 ngày tại Nha Trang. Đây là một bước khởi đầu cho hành trình khám phá thế giới đại dương của mình. Khoá học khá là căng thẳng do trong một thời gian 3 ngày ngắn ngủi, mình được nhồi cả đống lí thuyết và kĩ năng về lặn, đặc biệt là những nguyên tắc về an toàn lặn. Cảm giác như cái thời gian 3 tháng mình train làm tiếp viên hàng không. Cũng nhồi nhét kiến thức y chang vậy. :). 


Sunday, October 22, 2017

Đà Lạt cảm nhận một chuyến đi


Không khí ở Đà Lạt mùa này quá đẹp, cái lạnh vừa đủ để người ta hít hà và hơi chút buốt khi mưa đến. 

Mình ở một nhà nghỉ với kiến trúc tối giản, nhẹ nhàng theo kiểu Nhật Bản. Có cây thông treo đèn ngoài sân, đến tối đèn bật lên, không khí trở nên lung linh huyền ảo. Cái sân nhỏ nhỏ với cây hồng giòn nặng trĩu quả và những chậu kiểng xinh xinh. Góc bàn ghế nhìn ra sân dựa lưng vào góc tường cây dành cho khách hàn huyên. Nơi đây thật là không gian lý tưởng cho những ý tưởng nướng BBQ ngoài trời. 

Sunday, April 23, 2017

Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ - John Steinbeck



Đọc cuốn sách này đơn giản vì ba nguyên do.
Thứ nhất đó là nhật kí hành trình mà mình thì rất thích những cuộc hành trình.
Thứ hai, nội dung cuốn sách nói về nước Mỹ, mà mình hay bay Mỹ nên muốn tìm hiểu. Thứ ba, tác giả cuốn sách là người đã từng đoạt giải Nobel văn học. Mình muốn biết một người với bút lực và tư tưởng đã được thừa nhận như thế thì sẽ viết gì và viết như thế nào trong một cuốn nhật kí hành trình chứ không phải tiểu thuyết hư cấu.

Monday, March 20, 2017

Cảm nhận sau chuyến khám phá hang động Tú Làn

Số là mình mới trở về sau chuyến hai ngày một đêm khám phá hang động Tú Làn ở Quảng Bình mà dạo gần đây nóng sốt lắm do gắn liền với bối cảnh bộ phim đình đám thế giới, Kong.

Trước khi mình đi, mình thật sự chẳng quan tâm lắm đến liệu cái nơi mà mình sắp đi, cái tour mà mình sắp chọn lại "hợp xu hướng" như vậy. Mình đi chỉ vì mình vốn đã phù hợp với núi rừng và những tour dạng khám phá trekking thế này.

Sunday, March 19, 2017

Kinh ngạc trước sự chuyên nghiệp trong nông nghiệp và dịch vụ hay sự kết hợp giữa nông nghiệp và dịch vụ

Trước giờ nghe tiếng tăm của Thái Lan lâu rùi. Thái làm du lịch là khỏi chê, số lượng khách du lịch đến Thái là niềm mơ ước của du lịch Việt Nam. Nền nông nghiệp Thái Lan cũng nổi tiếng không kém với nhiều sản phẩm nổi tiếng thế giới, trong đó có hoa lan vốn là cái mà mình yêu thích. 
 
Bây giờ mình kể về một mô hình kết hợp giữa du lịch và làm nông nghiệp mà mình được tận mắt mục sở thị. Phải nói là mình không ngừng kinh ngạc về độ chuyên nghiệp của các bạn.

Air Orchid Thai, một công ty hoa lan mà mình được giới thiệu trong hội chợ triển lãm Nông Nghiệp, khoảng 40km từ Bangkok. 

Cầu Brooklyn - thành tựu của gia đình Roebling

Chẳng hiểu sao dạo gần đây toàn viết về những cây cầu. :). Nếu Golden Gate là biểu tượng của San Francisco thì nói tới New York không thể không đề cập đến cầu Brooklyn. 

Ấn tượng của mình về cầu Brooklyn: đẹp, cổ điển, nhẹ nhàng, tầm nhìn đến cầu Manhattan kế bên và khúc sông Đông với tượng nữ thần Tự Do cực đẹp.


Nhưng trên tất cả, cầu Brooklyn cũng có một câu chuyện để kể với tất cả mọi người, một câu chuyện rất xúc động mà mình nghĩ nếu dựng thành phim, câu chuyện sẽ rất tuyệt vời.


Câu chuyện về một gia đình với 3 thành viên đã gắn kết, dành trọn cuộc đời mình sống chết với cây cầu này.
Đó là người cha đã nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời chưa từng có tiền lệ, xây dựng cầu dây thép bắt qua sông Đông nối liền Mahattan và Brooklyn. Và sau đó khi câu cầu chưa chính thức xây dựng đã mất do gặp tai nạn trên công trường.


Đó là người con trai tiếp nối ước mơ của cha mình, tuy bị chấn thương não nằm liệt giường nhưng trong suốt 14 năm xây dựng cầu, ông đã kiên trì đưa ra những chỉ đạo xây dựng chỉ qua những ngón tay gõ nhẹ.


Đó là người vợ với lòng trung thành và quyết tâm thực hiện ý nguyện của chồng đã đứng ra nhận nhiệm vụ nặng nề là chuyển giao thông tin, quản lý và chỉ huy toàn bộ công trình. Bà dưới sự hướng dẫn của chồng đã phải học toán cấp cao và tất cả những kiến thức phức tạp mà một người kĩ sư trưởng cần có để có thể đảm nhận trọng trách lớn lao. 


Cầu Brooklyn là thành tựu trọn đời của gia đình John Roebling, Washington Roebling và Emily Warren Roebling.


P/S: Phong cách viết giống tập làm văn. Mọi người thông cảm.

Cầu Cổng Vàng và câu chuyện biến điều không thể thành có thể

Đến San Francisco điều đầu tiên ai cũng kháo nhau là phải đến cầu Cổng Vàng (Golden Gate). Nó danh tiếng thế kia mà: được coi như biểu tượng của thành phố sương mù, đã từng giữ chức cây cầu dây văng dài nhất thế giới trong suốt gần 30 năm sau khi ra đời, được liệt kê vào 7 kì quan của thế giới hiện đại bởi hiệp hội kĩ sư Hoa Kỳ và tới ngày nay thì là địa điểm tự tử phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ xếp sau cây cầu Nanjing Yangtze ở Trung Quốc. :).

Câu chuyện về cây cầu này là câu chuyện biến một điều không thể thành có thể, một câu chuyện của niềm đam mê, sự quyết tâm đã làm nên một tác phẩm để đời. Cầu Cổng Vàng đã băng qua một khoảng cách dài nhất chưa bao giờ được băng qua, đạt đến độ cao chưa bao giờ được thấy đến ở một cây cầu và thách thức với những cản trở của đại dương. (it had to span one of the greatest distances ever spanned, reach heights that hadn't been seen in a bridge, and hold up to the forces of the ocean - fr Wiki). 

Nói đến cây cầu không thể không nhắc đến vị kỹ sư trưởng Joseph Strauss. Ông là người đưa ra giải pháp khả thi về mặt vốn đầu tư cho việc xây dựng một cây cầu dài 2,7km bắt qua một eo biển với những cơn gió hung tợn, sương mù dày đặt, thuỷ triều và dòng nước mạnh xoáy. Ước tính ban đầu của hội kĩ sư thành phố là 100 triệu đô nhưng Strauss đã đưa ra giải pháp xây cầu với chỉ 17 triệu đô. Tuy chi phí thực tế xây dựng cầu là 34 triệu đô do thay đổi thiết kế nhưng ít ra ta thấy Strauss là người dám nghĩ dám làm. Mất mười năm để ông thuyết phục và vận động xây dựng cây cầu. Từ việc thuyết phục về tính khả thi của dự án, vận động vốn, giải quyết những sự phản đối của lực lượng quân đội Mỹ và những tập đoàn thế lực ở Mỹ do bị đụng chạm lợi ích... 10 năm bào mòn sức lực của ông. Sau 10 năm vất vả đó, cây cầu đã được chính thức xây dựng từ 5/1/1933 đến 19/4/1937. Joseph vẫn là tổng công trình sư với sự giúp sức của rất nhiều chuyên gia. Ông mất một năm sau khi cây cầu hoàn thành và để vinh danh đóng góp to lớn của ông, bức tượng Strauss hiện tại được đặt trước cầu Cổng Vàng, thành tựu cả đời của ông.

Cầu Cổng Vàng là điểm tham quan đầu tiên của mình ở San Francisco. Có những điều mình đã làm được và chưa làm được ở cây cầu nổi tiếng này. Đã làm được là mình đã được đặt chân đến cây cầu này trong một chiều đầy sương mù, đi bộ được 1/5 cây cầu, cảm nhận được một phần sự hùng vĩ của nó. Còn cái mà mình muốn làm nhưng vì chưa có thời gian là đạp xe xuyên suốt cây cầu để có thể hoàn toàn cảm nhận được vẻ đẹp cua vịnh San Francisco và tầm vóc của cầu Cổng Vàng. Mình thích câu chuyện đằng sau công trình này. Một chút cảm hứng và một chút niềm tin.

Viết nhảm nhí nhân chuyến đi chơi cầu Cổng Vàng, San Francisco ngày 7/2/2017. (Lâu lâu viết nhảm nhí chơi cho vui. Ai đọc được tới đây chắc cũng kiên nhẫn lắm. Hehe)