Saturday, January 31, 2015

Luang Prabang - Đơn giản chỉ là đẹp (Simply Beautiful)

Luang Prabang là một thành phố mà mình rất thích ở Lào. Mình yêu những con đường, những ngôi chùa và những dòng sông bao quanh thành phố này. Là một trong những thành phố được bảo tồn tốt nhất ở châu Á, Luang Prabang là một sự kết hợp giữa những kiến trúc chùa cổ xưa, kiến trúc nhà ở xinh xắn thời Pháp cùng với những mảng xanh của cây cối và sự góp mặt không thể không nhắc tới của 2 dòng sông Mekong và Nam Khan.

Mình viết bài dưới đây để tổng kết lại những gì mình thấy và cảm nhận và thích ở Luang Prabang dựa trên hành trình bằng xe đạp của mình. Đây không phải là một bài hướng dẫn du lịch gì cả, chỉ đơn thuần là mình muốn ghi lại những ấn tượng của mình để sau này mình đọc lại cho khỏi quên mà thôi. :).

1. Đồ ăn ở Luang Prabang
Mình là mình thích khoảng này nhất. Luang Prabang có rất nhiều sự lựa chọn đồ ăn cho mọi người. Những món mà mọi người có thể muốn thử là:

-    Khao Soy (10.000K nếu trong chợ dành cho dân địa phương, 15.000K nếu ở ngoài mặt đường): món ăn điển hình ở phía Bắc Lào. Món nước với sợi phở và thịt băm, được ăn chung với giá non, các loại rau thơm và đậu que sống để quẹt với mắm tôm.
Tô Khao Soy thơm ngon

-    Phở Lào. Một món bún đơn giản với nước ninh xương và huyết. Còn lại là mình tự nêm nếm cho vừa miệng và xử.

-    Tam Mak Hoong (10.000k): giống gỏi đu đủ bên mình. Nhưng lại được nêm nếp với mắm tôm pha loãng với nước. Món này mình thấy dân Lào ăn nhiều, bán khắp nơi trên đường. Ăn cũng được, vị là lạ.
Bạn nam cute này bên quầy hàng chuyên bán Tam Mak Hoong ở chợ đêm

-    Những bữa ăn thường ngày của người Lào được bán ở dọc nhiều con đường ngoài khu phố du lịch và dành cho dân địa phương. Giống như tiệm cơm bên Việt Nam mình, người ta bày ra cả chục nồi đồ ăn khác nhau, ai mua thì gói bịch đem về (người Lào không có thói quen ăn ở tiệm thì phải vì mình toàn thấy mua mang về. Chỉ có mình là đứa duy nhất đòi ngồi ăn ở đó mà thôi). Đồ ăn ở đây thì rẻ rồi (vì dân địa phương ăn mà), khoảng 10.000kip – 15.000 kip là có thể ăn no (bạn có thể gọi 3000K gạo nếp + 5000K món chính + 2000K rau). Nhưng nên chú ý chọn quán nào thấy có vẻ vệ sinh tí. Nhiều chỗ bán đồ ăn rất nhếch nhác, ruồi bu nhiều. Đồ ăn của họ thường không được nóng nên nếu ăn thì nên canh đúng lúc người ta nấu xong :).
       o    Khau niaw (Theo như bên Việt Nam mình thì gọi là xôi nhưng mình thích gọi là cơm nếp hơn). Bên Lào không ăn gạo tẻ như bên mình mà ăn gạo nếp (Khau Niaw) trong các bữa ăn thường ngày. Họ ăn bốc. Thường là sẽ dùng tay vo cơm lại thành viên nhỏ vừa và kẹp với đồ ăn (rau xào hoặc các món mặn khác) và bỏ vào miệng.
       o    Các loại rau xào được nêm nếm theo phong cách Lào: cay cay lạ lắm. Mình không biết diễn tả thế nào.
       o    Những món ăn chính như cari thịt, các loại thịt nướng, cá nướng, các loại canh, các loại larb, xúc xích… được nêm nếm theo phong cách Lào.
Cá nướng, đặc sản từ dòng sông Mekong


*** Ẩm thực chợ đêm ở Luang Prabang: Chợ đêm ở đây phải nói là thiên đường đồ ăn luôn rồi. Một trong những quầy mà khách thích nhất là quầy buffet ăn chay với giá siêu rẻ (15.000K/suất) và có cả chục món ăn cho mọi người lựa chọn. Tuy nhiên đồ ăn ở đây nguội lắm do được nấu từ lúc nào ấy. Có duy nhất 1 quầy bán 10.000K và còn được xào lên cho nóng nữa (nhưng không ở trên con đường đồ ăn, mọi người phải đi 1 vòng khu vực chơ đêm thì mới thấy). Ngoài ra cũng có cơ số các loại cá nướng, thịt nướng rất thơm ngon và các món lẩu tự chọn cũng như rất nhiều đồ ăn truyền thống của người Lào được bán (tất nhiên giá có cao hơn một chút rồi). Rồi những xe bán Pancake, sandwich và fruitshake với giá đa phần là 10.000K xuất hiện với tần số dày đặt trên khắp các con đường du lịch ở Luang Prabang.
Thiên đường đồ ăn chay

2. Điểm tham quan
Phố phường Luang Prabang. Luang Prabang là một thành phố vẫn còn giữ được rất nhiều kiến trúc truyền thống của Lào cũng như kiến trúc thời Pháp thuộc địa với những ngôi nhà đẹp, nhỏ nhắn và xinh xắn. Những kiến trúc này nay đã được cải tạo thành những nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, hàng quán dọc bờ sông Nam Khan và Mekong. Bởi thế, mình rất thích đạp xe hoặc đi bộ dọc theo những con đường này và ngắm nhìn phố phường. Lâu lâu đi vào những con hẻm nhỏ nhỏ cũng có nhiều phát hiện thú vị.
 Đường phố Luang Prabang

Hẻm nhỏ

Những ngôi chùa yên bình ở Luang Prabang. Ngôi chùa nổi tiếng nhất và đáng xem nhất là Wat Xieng Tong. (phí tham quan: 20.000K). Độc đáo, đầy màu sắc và đẹp cực kì.  Nơi đây được cho là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất Đông Nam Á và là một trong những lí do chính để Luang Prabang được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, khắp thành phố Luang Prabang còn có khoảng ba mươi mấy ngôi chùa với những nét riêng mà bạn có thể thoải mái khám phá hay chỉ đơn giản là tạt vào nghỉ trưa dưới những tán cây mát rượi trong chùa và tận hưởng không khí thoáng đãng yên bình.

Wat Xieng Tong
Dãy nhà dành cho các sư ở Wat Xieng Tong

Núi Phousi và quần thể tượng phật + stupa trên núi (phí tham quan: 20.000K). Nằm ngay trong thị trấn luôn. Nơi đây nổi tiếng là địa điểm ngắm mặt trời lặn với phông nền là dòng sông Mekong và những ngọn núi xa xa. Mình đã lên ngắm thử thì thấy thực sự là một cảnh tượng đáng để thưởng lãm. Leo lên dễ ợt, mấy trăm bậc là tới. Mình thấy nên leo khoảng 5 giờ chiều, đi vòng vòng rồi kiếm chỗ đẹp ngắm mặt trời lặn lúc 6 giờ là vừa.
 Hoàng hôn ở Luang Prabang


Thác KuangSi (20.000K): Một điểm cực sáng trong những điểm du lịch ở Luang Prabang do được khai thác du lịch một cách khéo léo. Một địa điểm dã ngoại mà mình hài lòng nhất từ trước đến giờ. Đường vào thác xuyên qua một khúc rừng mát rượi. Tháp cực đẹp với nước màu xanh lơ đặc trưng, đổ thành nhiều tầng và có nhiều tầng như những hồ bơi nho nhỏ cho khách du lịch tắm. Khu vực thác chính có phục vụ đồ ăn nhưng không hề nhếch nhác nhá. Khách gọi đồ ăn, đem đến những khu vực bàn ghế bằng gỗ ngồi thưởng thức và ngắm thác đổ. Còn gì bằng. Đến đây, mình còn được tìm hiểu về dự án bảo vệ gấu (freethebear.com) và khu vực rừng quốc gia ở đây cũng là nơi ở của nhiều chú gấu được bảo vệ. Thùng rác được để khắp nơi và không hề có rác ở trên mặt đất. Một điểm trừ nho nhỏ là nhà vệ sinh dơ quá. :).
Thác cách trung tâm Luang Prabang 35km và đường đi được tráng nhựa đẹp đẽ dễ đi. Nhưng vì thác nằm trong khu vực rừng nên đường đến thác vẫn là đường đèo lên xuống. Mình đạp xe mất khoảng 2 tiếng.

Thác Kuang Si nhiều tầng bậc

Màu nước xanh ngọc rất đặc trưng

Hang động Pak Ou (20.000K vé tham quan + 13.000 tiền tàu qua sông hoặc 25.000K nếu đi một mình): một hang động chứa rất nhiều tượng phật nhỏ to khác nhau, nghe đồn có tới hơn 4000 tượng với đủ các tư thế.

 Cách trung tâm Luang Prabang 30km. Có thể đi bằng đường sông hoặc đi xe. Còn mình thì đi xe đạp. :). 20km đường chính ban đầu thì đẹp và được tráng nhựa. Nhưng thảm kịch bắt đầu khi mình được hướng dẫn rẽ vào một con đường nhỏ và phải đi khoảng 11km nữa mới tới nơi. Đường không hề được tráng nhựa và khó đi kinh khủng do bề mặt có quá nhiều đá. Rồi mình phải chạm chán với cả chục con dốc kinh khủng khiếp (hơn 10% nhiều). Nói chung tuy sách hướng dẫn nói là “dễ dàng được kết nối bằng tàu hay bằng xe” nhưng mình thấy là đường xe tệ quá, đi tàu đi cho nó sướng.
Cái đường kinh khủng đi Pak Ou


*** Những hoạt động gợi ý khác:
-    Trưa trời nóng quá thì có thể vô thư viện Luang Prabang tránh nắng, đọc sách tìm hiểu về thành phố này. Miễn phí nha.
-    Muốn có một không gian riêng tư, tối tối để ngắm sao trời thì cứ ra công viên ngay bờ sông Mekong rồi đi xuống phía bãi cát phía dưới. Tha hồ mà ngắm sao nói chuyện yêu đương luôn :). Nhưng mà nhớ mang kem chống muỗi.
-    Sáng có thể dậy sớm khoảng 6:00 để xem các sư đi khất thực. Nhưng thật sự mà nói thì việc khất thực ở Luang Prabang đa phần là để cho khách du lịch chụp hình và tham gia nên mình thấy rất nhốn nháo và mất đi sự tôn nghiêm vốn có. Những người bán hàng ven đường liên tục chào mời du khách mua đồ dâng lên các sư và nhiều khách du lịch dâng đồ ăn lên mà không có một chút thành kính của một người thực sự hiểu nghi thức này. Nên trừ khi bạn thực sự hiểu thì hãy quyết định tham gia dâng đồ ăn và nên chuẩn bị đồ ăn từ ngày hôm trước cẩn thận (đừng mua của những người bán dạo vì họ có thể bán đồ ăn kém chất lượng). Nếu không thì hãy đứng từ xa mà quan sát. Chụp hình thì cũng đừng lộ liễu quá vì tội các sư lắm.

-    Tối đi chợ đêm mua đồ ăn xong có thể mang lên ăn ở bậc cầu thang lên núi Phousi (đối diện bảo tàng quốc gia) ngồi ăn. Lên đó vừa có ghế đá ngồi, không gian thoáng đãng mà có tầm nhìn bao quát xuống chợ đêm rất hay.
Chợ đêm nhìn từ trên cao

3. Một số nhận xét về du lịch ở đây:
-    Thành phố xinh đẹp, sạch sẽ, yên bình và được bảo tồn tốt. Người dân thân thiện và dễ mến. Không ăn xin, không chèo kéo khách, không cướp bóc, không lừa gạt. Hic. Một thành phố như đúng slogan du lịch ở Lào: “Simply beautiful”.
-    Vật giá ở Luang Prabang nói riêng và ở Lào nói chung có hơi cao hơn so với tầm giá ở Việt Nam.
-    Luang Prabang thu phí nhiều cái mà mình thấy không đáng lắm nên mọi người chuẩn bị tinh thần. Vào một số ngôi chùa sẽ bị mất phí (20.000k). Qua cầu tre bắc qua song Mekong cũng sẽ bị mất phí (5-7.000k). Giá vé chung cho tất cả các điểm tham quan chính ở Luang Prabang là 20.000k cũng hơi bị đắc một tí.
     
4. Chuyên bên lề
-    Làm ăn ở Lào ngộ lắm. :). Mình dậy sớm xem các sư khất thực xong thì đi dạo vòng vòng kiếm đồ ăn sáng lúc tầm khoảng 7 giờ.  Đường sá vắng tanh, hàng quán vẫn chưa mở cửa. Cái quán ăn mà mình kết món khau piek thì 8 giờ 30 mới mở và hình như nghỉ bán ngày cuối tuần. Vô chợ tìm đến quầy bán đồ ăn thì chỉ có duy nhất 1 tiệm là mới mở. Hic. Đợi tầm 8 giờ, 8 giờ 30 thì đồ ăn mới dần dần được dọn ra và mình mới có nhiều sự lựa chọn. Chẳng bù với hàng quán ở Việt Nam, 5 giờ sáng là đã lục đục dọn hàng ra bán.
-    Xém tí nữa là mình đã bị cảnh sát giao thông thổi ở Luang Prabang. Nguyên do là hệ thống biển báo giao thông ở Lào khác với Việt Nam. Mình lại đạp xe nên chủ quan. Đang ngồi gặm bánh mì bên con đường dọc song Mekong thì thấy một toán cảnh sát giao thông chạy xe máy đến tập kết tại một ngã 3 ngay trước mặt mình. Mình cứ thắc mắc hoài là họ đứng đó bắt lỗi gì trời. Gặm bánh mì xong, mình qua đường và quay xe lại khúc đường mới đi. Nghe tiếng xe máy từ toán cảnh sát giao thông đang chuẩn bị nổ,mình linh tính thấy có gì đó không ổn, nhìn nhìn một hồi thì mình thấy hình như đường này đường một chiều và mình đang chuẩn bị đi ngược chiều. Vội vàng quay đầu xe lại, đạp qua mặt và cười với mấy anh cảnh sát giao thông đang tức tối vì vừa mới mất 1 con mồi. :).
-    Mình ghét cái vụ làm tiền ở Luang Prabang nên mình suy nghĩ hoài cách trốn vé. :). Thế là mình dậy sớm. 6:30 chạy ra Wat Xieng Tong chơi, thấy quầy vé không có ai ngồi thì sướng quá, đi dạo vòng vòng, ngắm nghía mải mê. Đi một hồi thì một bác gái người Lào tiến đến chào Sabaidee mình rồi mời mình mua vé. Mình ngớ người ra luôn, đúng là người Lào cao tay thiệt mà.

5. Hướng dẫn đi chơi Luang Prabang: một số nguồn thông tin mà mình tham khảo:
-    Wiki travel guide.
-    Các sách du lịch như Lonely Planet, Rough Guide, Frommers…
-    http://daisudulich.blogspot.com/2014/04/kinh-nghiem-du-lich-bui-lao.html   
-    toidi.net.
-    cungphuot.com
-    Khi đến Luang Prabang, có thể lấy  bản đồ thành phố miễn phí (bản siêu đẹp) ở thư viện Luang Prabang đối diện Wat Mai và nằm chếch bảo tảng quốc gia một chút, trên đường Sisavangvong.
-    Những thông tin từ người địa phương và những dân du lịch khác.
Mình không viết chi tiết hướng dẫn cái này vì mình không có đủ kiên nhẫn ngồi tập hợp tất cả thông tin. Mọi người chịu khó lên google gõ gõ và đọc một chút là ra được thông tin à (tiếng Việt không có thì ráng đọc tiếng Anh :), còn tiếng Anh mà không có nữa thì thôi, để dành đến đó tìm hiểu luôn hen). 

*** Đón đợi những bài viết tiếp theo liên quan như sau:
-    Kiến trúc của Wat Xieng Tong và đạo Phật ở Lào.
-    Những món ăn truyền thống của Lào.
-    Đặc điểm kiến trúc nhà cửa ở Luang Prabang.

P/S: tất cả thông tin về giá cả được dựa trên thời điểm là 1/2015.

Xem toàn bộ hình ảnh về Luang Prabang trong link dưới đây: https://plus.google.com/photos/102213081794058890153/albums/6110563509034437217?authkey=CJm9uuu7xKm84AE

1 comment:

  1. chào bạn, bạn đi sang Lào bằng phương tiện gì? bạn có đạp xe không?

    ReplyDelete